Nụ cười trong những cơn sóng gió

TT - Họ cưới nhau bảy năm, cậu con trai bụ bẫm 6 tuổi cũng là năm năm người chồng phải ngồi trên xe lăn. Một tai nạn giao thông đã biến anh thành người tàn phế.

 


Cuộc sống nhiều gian khó nhưng giữa bão dông gia đình nhỏ vẫn ngập tràn hạnh phúc.
Nụ cười của vợ
Ngồi bên nhau trong căn nhà nhỏ xinh với những khóm tre nhỏ mát mẻ vây quanh ở xã Tân Thạnh Tây, Củ Chi, TP.HCM, vợ chồng anh Võ Trung Gian và chị Đặng Mai Khoa luôn ân cần với nhau. Cách đây năm năm, khi đứa con nhỏ chưa đầy 9 tháng tuổi, một tai nạn giao thông bất ngờ làm anh Gian đứt cột sống, toàn bộ thân dưới bị liệt. Anh nằm một chỗ, một mình chị nhọc nhằn lo toan nhưng những ngày ấy chị vẫn luôn vui vẻ, tươi cười. Chị bảo: “Mình buồn nhưng không tuyệt vọng. Mình tuyệt vọng, chồng mình sẽ tuyệt vọng theo”.
Những ngày anh nằm viện là khoảng thời gian khó khăn nhất. Công việc ở Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Củ Chi không cho phép chị nghỉ, bí bách quá chị đành xin cơ quan cho chị hai ngày làm, một ngày nghỉ để vào bệnh viện chăm anh. Suốt hai năm anh nằm một chỗ không đi lại được. Từ chuyện ăn uống, tắm rửa, vệ sinh, anh đều cần chị giúp.
Anh khỏe hơn, bác sĩ khuyên tập vật lý trị liệu để cơ thể không bị teo, chị cũng là người dìu anh tập đi những bước chân đầu tiên trên đôi nạng gỗ.
Chị bật cười khi nhớ lại những buổi tập trị liệu có bác sĩ hướng dẫn, thấy anh loay hoay thương anh quá, chị lén bác sĩ đẩy xe hay giúp anh thay quần áo, bác sĩ nhìn thấy la lớn “để nó tự làm”. Chị bảo cũng may nhờ bác sĩ nghiêm khắc nên anh mới khỏe mạnh như ngày hôm nay và những ngày ấy cũng nhờ sự đùm bọc của người thân, hàng xóm và đồng nghiệp, vợ chồng chị vượt qua được khó khăn.
Yêu thương của chồng
Lúc tai nạn xảy ra, anh đang công tác ở công an huyện. Ban đầu anh vẫn đinh ninh: “Chỉ vài bữa là khỏi. Mấy bữa nữa lại đi làm, đi học”. Nhưng khi biết không còn khả năng hồi phục, mỗi ngày anh lại thêm bức bối, cảm giác bất lực luôn ám ảnh và đeo bám. Song, mỗi khi nhìn chị cười, lo lắng trong anh dịu lại. Thương chị, anh cũng không cho phép mình buông xuôi. Anh chăm chỉ tập vật lý trị liệu. Được chị dìu đi, anh cố nén đau để bước từng bước.
Chị nhìn anh dịu dàng: “Nằm viện mấy tháng ảnh sút cân nhiều lắm, hông sườn đều nhô hết ra, nhưng giờ ảnh mập lên, sức khỏe tốt hơn nhiều rồi”. Giờ đây chị có thể yên tâm chở con đi học rồi đi làm từ lúc 6g sáng và trở về khi bữa cơm chiều đã chuẩn bị. Anh vẫn ngồi trên xe lăn nhưng có thể phụ chị làm công việc nhà: giặt đồ, quét dọn nhà cửa và nấu cả bữa cơm chiều. Chị kể với vẻ tự hào chẳng giấu giếm: “Đợt trước tôi bị gãy tay phải, việc nhà từ quét dọn, lau nhà, nấu cơm ảnh đều làm hết”.
Để anh khuây khỏa, chị đã mở một tiệm bán dụng cụ văn phòng phẩm nhỏ để anh đứng bán cho mấy em học sinh trường tiểu học nhỏ bên cạnh. Anh thoăn thoắt đẩy xe ra vào liên tục giữa quán và căn nhà nhỏ của mình, thu nhập một tháng chỉ hơn 1 triệu đồng nhưng “lăn ra lăn vô cũng đỡ buồn”.
Nhưng, sóng gió dường như vẫn chưa buông tha gia đình nhỏ khi cách đây không lâu đi khám bệnh, bác sĩ phát hiện chị Khoa bị bệnh về máu, suy giảm hồng cầu nên phải chuyển lên Bệnh viện Truyền máu - huyết học chữa trị. Dù vậy, với chị Khoa, chỉ cần “có chồng, có con bên cạnh là mình sẽ trụ vững”.

VŨ THỦY - MINH PHƯỢNG

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét